Tin tức mới

Giải quyết vấn đề đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường

Mức độ ô nhiễm môi trường diễn biến ngày càng nặng. Tình trạng đốt rơm rạ tự phát xảy ra phổ biến tại những vùng trồng nhiều lúa ở miền Bắc. Trong quá trình thu hoạch lúa, người dân chất đống rơm rạ rồi đốt bỏ. Khí thải khi đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe. Do vậy, hoạt động đốt rơm rạ làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường. Lo ngại tình trạng đốt rơm rạ nên Bộ tài nguyên và môi trường đã ra văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc xử lý rơm rạ của người dân.

Thực trạng việc đốt rơm rạ của người dân

Theo chu kỳ, cứ sau các vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ lại diễn ra phổ biến. Sau khi thu hoạch lúa, nông dân thường có thói quen đốt rơm rạ dọn đồng. Người trồng lúa xử lý rơm rạ ngay tại đồng chuẩn bị cho vụ mới. Quan điểm của họ là đốt lấy tro bón cho đất cũng như giảm thiểu được chi phí xử lý. Đồng thời đốt hết những phế phẩm nông nghiệp có thể tiêu diệt được mầm mống dịch hại…

Thực trạng việc đốt rơm rạ của người dân
Người dân đốt rơm rạ ngay trên đồng lúa

Nhưng trên thực tế, việc này “lợi ít, hại nhiều”. Khói rơm sẽ khuếch tán bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thậm chí,nhiều khu vực trên địa bàn thành phố còn bị tác động bởi khói rơm rạ.

Tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng đốt rơm rạ của người dân

Chất lượng không khí tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc thời gian gần đây theo Bộ TN&MT đang gia tăng ô nhiễm. Bộ TN&MT yêu cầu 10 tỉnh, thành miền Bắc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt rơm rạ trong quá trình thu hoạch lúa của người dân

Ô nhiễm môi trường được xác định do bụi, khí thải từ các hoạt động giao thông, xây dựng,…Ngoài ra một nguyên nhân không nhỏ bắt nguồn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp.

“Đây là hoạt động diễn ra hàng năm, lặp đi lặp lại của người nông dân khu vực nông thôn miền Bắc mà chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để”, văn bản của Bộ TN&MT nêu rõ.

Bộ TN&MT đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang chỉ đạo các sở TN&MT, NN&PTNT, Thông tin và Truyền thông, VH-TT&DL, UBND các quận huyện tổ chức tuyên truyền, vận động không để người dân đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa.

Các biện pháp được đưa ra để giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ tự phát

Các hội nông dân đoàn viên, hộ nông dân ký cam kết không đốt rơm rạ ngoài cánh đồng. Xây dựng các dự án hướng dẫn người nông dân triển khai các biện pháp thu gom xử lý. Người dân có thể chế biến phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích.

Các biện pháp được đưa ra để giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ tự phát
Nông dân xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch lúa

Tập trung xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường. Trong đó có quan trắc môi trường không khí thuộc quy hoạch cấp tỉnh. Hoàn thành và xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện.

Các sở TN&MT, cảnh sát môi trường, chính quyền cơ sở cấp tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định; thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường.

Quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở nếu để xảy ra tình trạng đốt chất thải, chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

WC Captcha − 1 = 2